Ngày 20 tháng 5 năm 2018, tại phòng họp khoa Lịch sử, tầng 2 nhà B, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (số 136 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội), Ban biên soạn Quyển 22, Bách khoa toàn thư (BKTT) chuyên ngành Lịch sử Thế giới đã tổ chức hội thảo “Xác lập hệ thống mục từ và viết mục từ mẫu phục vụ biên soạn cuốn BKTT Lịch sử thế giới”.
Tham dự Hội thảo có Ban chủ nhiệm nhiệm vụ, các thành viên nghiên cứu đề tài cùng các chuyên gia về Lịch sử Thế giới và Việt Nam ở các Viện nghiên cứu và trường đại học như: PGS.TS. Trần Đức Cường (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam kiêm Chủ nhiệm nhiệm vụ Quyển 21 chuyên ngành Lịch sử Việt Nam); PGS.TS. Dương Văn Quảng (Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao); PGS.TS. Lê Trung Dũng (Viện Sử học); PGS.TS. Nguyễn Văn Mão (Viện Sử học)…
Hội thảo cũng có sự tham dự của đại diện Ban chủ nhiệm khoa Lịch sử cùng một số giảng viên, nghiên cứu sinh và cao học chuyên ngành Lịch sử Thế giới của khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã nghe GS.TS. Đỗ Thanh Bình – Chủ nhiệm nhiệm vụ Quyển 22, chuyên ngành Lịch sử Thế giới trình bày báo cáo tổng quan và nêu ra 3 nội dung cùng tập trung thảo luận trong Hội thảo.
– Cấu trúc vĩ mô và vi mô của cuốn Bách khoa toàn thư Lịch sử Thế giới: Cơ sở lí luận và quan điểm tiếp cận.
– Tổng quan hệ thống mục từ để biên soạn cuốn Bách khoa toàn thư Lịch sử Thế giới
– Hệ thống mục từ viết mẫu của cuốn Bách khoa toàn thư Lịch sử Thế giới và những vấn đề đặt ra trong cách thức biên soạn.
Các nội dung nghiên cứu cơ bản của nhiệm vụ Quyển 22, chuyên ngành Lịch sử Thế giới đã được GS.TS. Trần Thị Vinh (Phó Chủ nhiệm nhiệm vụ) và PGS.TS. Nguyễn Thị Hạnh (Phó Chủ nhiệm nhiệm vụ) trình bày chi tiết trong hội thảo. Tiếp đó, các đại biểu cũng đã nghe các các đóng góp tham luận của PGS.TS. Đinh Ngọc Bảo (NXB. Đại học Sư phạm), PGS.TS. Đặng Văn Chương (Đại học Huế), PGS.TS. Trần Nam Tiến (Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh), GS.TS. Hoàng Khắc Nam (Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội), TS. Nguyễn Thành Văn (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á)…
Trong phần thảo luận, hội thảo đã được nghe nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia như PGS.TS. Trần Đức Cường, PGS.TS. Lê Trung Dũng, PGS.TS. Dương Văn Quảng, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Mão PGS.TS. Văn Ngọc Thành…
Cuối buổi Hội thảo, GS.TS. Đỗ Thanh Bình – Chủ nhiệm nhiệm vụ đã tiếp thu những ý kiến thảo luận, góp ý của các chuyên gia và nêu một số điểm kết luận hội thảo:
– Việc xây dựng riêng cuốn Bách khoa toàn thư Lịch sử thế giới ở Việt Nam là hết sức cấp thiết. Bách khoa toàn thư Lịch sử thế giới sẽ góp phần bổ sung một công trình sử học tổng quát, hệ thống và cập nhật về tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại từ thời tiền sử cho đến ngày nay gắn với các địa danh, nhân vật, sự kiện, thuật ngữ …được xây dựng trên cơ sở các nguồn sử liệu phong phú, đáng tin cậy, phản ánh thành tựu nghiên cứu mới nhất của sử học thế giới và Việt Nam, được thiết kế về cấu trúc, nội dung và hình thức trình bày phù hợp với điều kiện Việt Nam, thuận lợi cho việc tra cứu, phổ biến kiến thức lịch sử thế giới.
– Cấu trúc vĩ mô và vi mô của cuốn Bách khoa toàn thư Lịch sử thế giới như dự kiến hiện nay là phù hợp với xu hướng biên soạn Bách khoa thư về Lịch sử thế giới ở nhiều nước Âu, Mĩ. Cấu trúc này cũng thể hiện tính đặc thù của ngành Lịch sử. Nếu cần thiết, Ban chủ nhiệm nhiệm vụ Quyển 22 sẽ có giải trình riêng về tính đặc thù này trước Ban chủ nhiệm Đề án.
– Hệ thống mục từ cùng với 21 từ viết mẫu cơ bản đã đáp ứng về số lượng sản phẩm khoa học theo thuyết minh. Tuy nhiên, để đưa ra bảo vệ ở cấp cơ sở, các thành viên nghiên cứu đề tài cần tiếp tục rà soát, bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện hơn, đảm bảo chất lượng sản phẩm nghiên cứu.
Hội thảo thuộc nhiệm vụ Quyển 22, Bách khoa toàn thư chuyên ngành Lịch sử Thế giới đã kết thúc tốt đẹp lúc 16h30 cùng ngày.
Gửi bình luận