Tin tức hoạt động

Về hoạt động của Ban biên soạn Quyển 19 chuyên ngành Ngôn ngữ học, Hán Nôm

Theo Quyết định số 2467/QĐ-BCNĐA ngày 05 tháng 12 năm 2016 của Chủ nhiệm Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, Ban biên soạn Quyển 19 chuyên ngành Ngôn ngữ học, Hán Nôm được phê duyệt gồm 16 thành viên thuộc 2 chuyên ngành Ngôn ngữ học, Hán Nôm.

Ban biên soạn chuyên ngành Ngôn ngữ học và Hán Nôm đã xác định rõ nhiệm vụ quan trọng nhất là hoàn thiện việc xây dựng Đề cương Quyển 19 chuyên ngành Ngôn ngữ học, Hán Nôm. Ba phần việc quan trọng nhất: Xây dựng cấu trúc vĩ mô (cấu trúc bảng từ), cấu trúc vi mô (cấu trúc mục từ) và việc biên soạn các mục từ mẫu cho quyển đã đòi hỏi một sự quyết tâm rất lớn của các thành viên mới có thể đảm bảo được kế hoạch theo yêu cầu. Chính ở thời điểm này, việc tập trung mọi nguồn lực thực hiện các công việc đặt ra để từ đó thảo luận, rút kinh nghiệm cho công việc ở các giai đoạn tiếp theo là rất cần thiết. Trên tinh thần như vậy, trong thời gian 16 tháng kể từ khi Ban biên soạn chuyên ngành được thành lập, đến tháng 6 năm 2018, Nhiệm vụ xây dựng Đề cương Quyển 19 chuyên ngành Ngôn ngữ học, Hán Nôm đã được hoàn thành. Đây là cố gắng bước đầu rất đáng ghi nhận của Ban biên soạn chuyên ngành Quyển 19.

Ngay sau khi hợp đồng kí kết thường trực Ban biên soạn đã tiến hành nhiều cuộc họp nhằm phân công nhiệm vụ đồng thời là đầu mối tổ chức, tập hợp tài liệu, báo cáo, công văn, thống nhất cách thức trao đổi liên lạc và thực hiện các công việc. Tính đến tháng 5/2018, Ban biên soạn chuyên ngành Ngôn ngữ học, Hán Nôm đã tổ chức được 6 cuộc tọa đàm và 1 Hội thảo khoa học thảo luận về các vấn đề liên quan:

+ Tọa đàm khoa học lần thứ 1: Khởi động biên soạn Bách khoa toàn thư chuyên ngành Ngôn ngữ học, Hán Nôm, Quyển 19, tổ chức ngày 4/7/2017.

+ Tọa đàm khoa học lần thứ 2: Lý luận và kinh nghiệm biên soạn bách khoa thư chuyên ngành Ngôn ngữ học, Hán Nôm trên thế giới và ở Việt Nam, tổ chức ngày 26/7/2017.

+ Tọa đàm khoa học lần thứ 3: Cấu trúc vĩ mô (cấu trúc bảng từ) Bách khoa thư chuyên ngành Ngôn ngữ học, Hán Nôm. Tổ chức ngày 19/8/2017.

+ Tọa đàm khoa học lần thứ 4: Cấu trúc vi mô (cấu trúc mục từ) Bách khoa thư chuyên ngành. Tổ chức ngày 11/11/2017.

+ Tọa đàm khoa học lần thứ 5: Thảo luận về các đề xuất bảng mục từ thuộc chuyên ngành Ngôn ngữ học, Hán Nôm. Tổ chức ngày 2/3/2018.

+ Tọa đàm khoa học lần thứ 6: Thảo luận về bảng mục từ thuộc chuyên ngành Hán Nôm. Tổ chức ngày 15/3/2018.

+ Hội thảo khoa học “Thảo luận về bảng mục từ và hoàn chỉnh việc xây dựng bảng mục từ” tổ chức vào ngày 23/5/2018.

Các tọa đàm, Hội thảo đã thu hút sự tham gia đông đảo của các thành viên chính Ban biên soạn, các chuyên gia Ngôn ngữ học, Hán Nôm đến từ Viện Ngôn ngữ học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên… và đại diện của Ban biên soạn Đề án Bách khoa toàn thư Việt Nam.

Qua 7 cuộc tọa đàm, Hội thảo đã có 13 báo cáo của các thành viên chính lần lượt được trình bày:

1) Báo cáo “Xây dựng đề cương Bách khoa thư chuyên ngành Ngôn ngữ – Hán Nôm” của GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết;

2) Báo cáo “Một số vấn đề về biên soạn Bách khoa thư” của PGS.TS. Phạm Hùng Việt;

3) Báo cáo “Từ nguồn tư liệu Hán Nôm đến biên soạn Bách khoa thư chuyên ngành Hán Nôm” của PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh;

4) Báo cáo “Về phạm vi, đối tượng và nội dung của Bách khoa thư ngôn ngữ và ngôn ngữ học Việt Nam” của GS.TS. Nguyễn Văn Lợi;

5) Báo cáo “Một số nhận xét về một số bách khoa thư ngôn ngữ học trên thế giới” của GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp;

6) Báo cáo “Cấu trúc bảng đầu mục của Bách khoa thư” của GS.TS. Nguyễn Văn Lợi;

7) Báo cáo “Biên soạn Bách khoa thư ngành Hán Nôm nhìn từ lí thuyết văn hiến học Trung Quốc” của TS. Trần Trọng Dương;

8) Báo cáo “Cấu trúc vĩ mô (cấu trúc bảng từ) của Bách khoa thư chuyên ngành Ngôn ngữ học” của PGS.TS. Phạm Hùng Việt;

9) Báo cáo “Cấu trúc vĩ mô – Cấu trúc bảng từ Bách khoa thư ngành Hán Nôm học của PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh và TS. Trần Trọng Dương;

10) Báo cáo “Các nguyên tắc thiết kế bảng đầu mục (cấu trúc vĩ mô) Bách khoa thư Ngôn ngữ và Ngôn ngữ học Việt Nam” của GS.TS. Nguyễn Văn Lợi;

11) Báo cáo “Cấu trúc vi mô (cấu trúc mục từ) của Bách khoa thư chuyên ngành Ngôn ngữ học” của PGS.TS. Phạm Hùng Việt;

12) Báo cáo “Thuyết minh về bảng mục từ thuộc chuyên ngành Ngôn ngữ học” của GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết

13) Báo cáo “Thuyết minh về bảng mục từ thuộc chuyên ngành Hán Nôm” của PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh

Có thể nói, qua 7 cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học với nhiều tranh luận sôi nổi, có chất lượng cao của các thành viên chính hầu hết là các GS, PGS đầu ngành, các chuyên gia nghiên cứu, nhiều vấn đề lần lượt được bàn bạc thảo luận, làm rõ và đi đến thống nhất:

Thứ nhất, đã xây dựng được hệ cơ sở lí luận và kinh nghiệm biên soạn bách khoa thư chuyên ngành Ngôn ngữ học trên thế giới và ở Việt Nam. Cụ thể sưu tầm các quyển Bách khoa toàn thư nổi tiếng của các nước Anh, Nga, Trung Quốc,… học hỏi kinh nghiệm biên soạn Bách khoa thư các nước trên thế giới. Chọn lọc một số quyển quan trọng, tiến hành dịch phần lời nói đầu, dịch các đầu mục từ Bách khoa thư Ngôn ngữ học tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga.

Thứ hai, từng bước thảo luận, thống nhất và đã xác định được cấu trúc vĩ mô (cấu trúc bảng từ) của quyển Bách khoa thư chuyên ngành Ngôn ngữ học, Hán Nôm dựa trên tính cân đối, hài hòa giữa phân ngành Hán Nôm so với Ngôn ngữ gồm 27 chủ đề thuộc chuyên ngành Ngôn ngữ học, 5 chủ đề thuộc chuyên ngành Hán Nôm và 6 chủ đề chung.

Thứ ba, xác định cấu trúc vi mô với số lượng đầu mục từ, cấu trúc của các loại mục từ thuộc mỗi chuyên ngành. Qua đó phân công cho các thành viên chính thực hiện xác định các đầu mục từ qua mỗi chủ đề cụ thể và viết các mục từ mẫu theo các kích cỡ khác nhau. Tổng số mục từ của quyển là 1.509 mục từ (trong đó Ngôn ngữ học 1.067 mục từ, Hán Nôm 473 mục từ). Tổng số mục từ mẫu là 15 mục từ mẫu với các kích cỡ ngắn, trung bình, dài, rất dài.

 Thứ tư, thảo luận và đi đến thống nhất về thể lệ và quy cách biên soạn Bách khoa thư chuyên ngành Ngôn ngữ học, Hán Nôm.

Chính nhờ các cuộc tọa đàm, hội thảo tranh thủ sự đóng góp ý kiến, trí tuệ của tập thể; sự nỗ lực không ngừng của các thành viên tham gia cũng như vai trò kết nối của thường trực Ban biên soạn, nhiều vấn đề đã dần đi đến thống nhất và sáng tỏ. Trên cơ sở đó, 1 báo cáo tổng quan Nhiệm vụ (dày 305 trang), 1 báo cáo tóm tắt (23 trang) đã được hoàn thiện. Ngày 29/6/2018, Nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng Đề cương Quyển 19 chuyên ngành Ngôn ngữ học, Hán Nôm” đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Đề án đánh giá cao ở mức xuất sắc (94,2 điểm). Đây chính là thành công bước đầu và là tiền đề để Ban biên soạn tiếp tục triển khai các công việc trong những năm tiếp theo.

+ Một số hình ảnh về các cuộc tọa đàm, hội thảo, nghiệm thu:

Tọa đàm lần thứ 4 “Cấu trúc vi mô (cấu trúc mục từ) Bách khoa thư chuyên ngành Ngôn ngữ học, Hán Nôm” ngày 11/11/2017

Hội thảo khoa học “Thảo luận về bảng mục từ và hoàn chỉnh việc xây dựng bảng mục từ BKT chuyên ngành Ngôn ngữ học, Hán Nôm Q19” ngày 23/5/2018

Nghiệm thu cấp Đề án Nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng Đề cương Quyển 19 chuyên ngành Ngôn ngữ học, Hán Nôm” ngày 29/6/2018

Hãy gửi bình luận

Gửi bình luận

E-mail của bạn sẽ không được công khai


*