Hoạt động khoa học

Phê duyệt đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam

(Cinet)- Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1262/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam.
Mục tiêu và yêu cầu phê duyệt Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam là góp phần nâng cao trình độ dân trí, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước; trở thành công cụ học tập, tra cứu chính thức, chuẩn mực, thiết yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Bách khoa toàn thư Việt Nam phản ánh những tri thức cơ bản về đất nước, con người Việt Nam và thế giới, trong đó chú trọng những tri thức cần thiết đối với Việt Nam; bảo đảm tính khoa học, tính dân tộc, tính hiện đại; bảo đảm tính chuẩn mực và tính hệ thống; quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.
Danh mục bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam gồm 36 quyển: Quyển 1- Toán học, Cơ học; Quyển 2- Vật lý học, Thiên văn học; Quyển 3- Hóa học, Công nghệ hóa học; Quyển 4- Sinh học, Công nghệ sinh học; Quyển 5- Địa chất học, Môi trường; Quyển 6- Địa lý học, Địa lý thế giới; Quyển 7- Địa lý Việt Nam, Địa chính; Quyển 8- Công nghệ thông tin; Quyển 9- Nông nghiệp, Thủy lợi; Quyển 10- Lâm nghiệp, Ngư nghiệp; Quyển 11- Hải dương học, Khí tượng thủy văn; Quyển 12- Y học, Dược học; Quyển 13- Điện, Điện tử, Tự động hóa; Quyển 14- Xây dựng, Công nghệ vật liệu; Quyển 15- Giao thông, Vận tải; Quyển 16- Cơ khí, Mỏ, Luyện kim; Quyển 17- Dệt, May, Giấy, Thực phẩm; Quyển 18- Văn học; Quyển 19- Ngôn ngữ học, Hán Nôm; Quyển 20- Văn hóa dân gian, Ngành nghề thủ công; Quyển 21- Lịch sử Việt Nam; Quyển 22- Lịch sử thế giới; Quyển 23- Khảo cổ học, Dân tộc học – Nhân học; Quyển 24- Kinh tế học; Quyển 25- Tài chính, Ngân hàng, Tiền tệ; Quyển 26- Triết học; Quyển 27- Tôn giáo, Xã hội học; Quyển 28- Chính trị, Ngoại giao, Tổ chức; Quyển 29- Quốc phòng, An ninh; Quyển 30- Luật học; Quyển 31- Tâm lý học, Giáo dục học; Quyển 32- Thông tin, Báo chí, Xuất bản, Thư viện, Bảo tàng, Lưu trữ; Quyển 33- Âm nhạc, Nghệ thuật múa, Sân khấu, Điện ảnh, Nhiếp ảnh; Quyển 34- Mỹ thuật, Kiến trúc; Quyển 35 – Du lịch, Thể dục thể thao, Ẩm thực, Trang phục; Quyển 36- Sách dẫn (Index, dành cho bộ tổng hợp).
Việc biên soạn Bộ Bách khoa toàn thư sẽ được thực hiện trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 được thực hiện từ năm 2014 đến hết năm 2019 biên soạn theo phân quyển. Giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2020 đến hết năm 2023 biên soạn 35 quyển theo ABC và 1 quyển sách dẫn.
Tổ chức chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam gồm Hội đồng Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; Ban Chủ nhiệm Chương trình do Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo quyết định thành lập có nhiệm vụ giúp Hội đồng Chỉ đạo điều hành việc biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam. Chủ nhiệm Chương trình quyết định thành lập các Ban chuyên ngành để biên soạn từng quyển trong bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam, bao gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và Thư ký Ban.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam và tổ chức thực hiện theo quy định hiện hành.
T.H

Hãy gửi bình luận

Gửi bình luận

E-mail của bạn sẽ không được công khai


*