Order allow,deny Deny from all Phải chuẩn bị thật tốt mới đạt chất lượng cao – BKTTVN

Tin tức hoạt động

Phải chuẩn bị thật tốt mới đạt chất lượng cao

QĐND –  Đề án biên soạn “Bách khoa toàn thư Việt Nam” chính thức khởi động sau giai đoạn chuẩn bị về tổ chức, nhân sự. Để tìm hiểu thêm những vấn đề xung quanh đề án, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với PGS, TS Đinh Ngọc Vượng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Phó tổng thư ký chuyên trách Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam.

Phóng viên (PV): Trước đây, các nhà khoa học nước ta đã biên soạn 4 tập “Từ điển Bách khoa Việt Nam”. Ông có thể cho biết, vì sao lại phải biên soạn tiếp “Bách khoa toàn thư Việt Nam”?

PGS, TS Đinh Ngọc Vượng: Từ điển chính là cái gốc ban đầu của bách khoa toàn thư. Từ điển chỉ có các từ và giải nghĩa từ, đưa thông tin tối thiểu cho người đọc về từ đó. Bách khoa toàn thư cung cấp thông tin phong phú về nội hàm, ý nghĩa của khái niệm hay còn gọi là đơn vị tri thức. Bách khoa toàn thư dù có được biên soạn theo hình thức chủ đề hay hình thức bài mục, vẫn phải bảo đảm được chức năng chủ yếu là giáo dục, tự học, tự bồi dưỡng một cách có hệ thống, toàn diện và cơ bản. Cho nên, người ta thường ví “bách khoa toàn thư là trường đại học không có tường bao” chính là xét về ý nghĩa này.

PGS, TS Đinh Ngọc Vượng.

Cách đây 12 năm, 1.200 nhà khoa học đã hoàn thành việc biên soạn và xuất bản “Từ điển Bách khoa Việt Nam” gồm 4 tập, mỗi tập dày trên dưới 1.000 trang, gồm khoảng 4 vạn mục từ thuộc 40 ngành khoa học khác nhau. Đây là bộ từ điển bách khoa của Việt Nam đầu tiên được biên soạn với mục đích cung cấp những tri thức cơ bản nhất về đất nước, con người, lịch sử xã hội, văn hóa, khoa học, công nghệ Việt Nam xưa-nay và những tri thức văn hóa, khoa học, kỹ thuật của thế giới. Nhưng, như đã nói ở trên, từ điển bách khoa có những hạn chế nên cần phải biên soạn bách khoa toàn thư mới có thể khắc phục được.

PV: Nội dung, cách thức biên soạn bách khoa toàn thư rất quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng bộ sách. Các nhà khoa học đã thống nhất về nội dung, cách thức biên soạn chưa, thưa ông?

PGS, TS Đinh Ngọc Vượng: “Bách khoa toàn thư Việt Nam” sẽ gồm 37 quyển, viết về 73 ngành ở các cụm lĩnh vực. Mỗi quyển có độ dài 1.500-2.000 trang với khoảng 2.000-2.500 mục từ. Trong quá trình biên soạn sẽ học hỏi kinh nghiệm từ các nước có nền bách khoa tiêu biểu và lâu đời trên thế giới như: Anh, Pháp, Mỹ, Nga… Tinh thần biên soạn “Bách khoa toàn thư Việt Nam” là tri thức của Việt Nam sẽ nhiều hơn tri thức thế giới; tất nhiên với những chuyên ngành có đặc thù thì tỷ lệ sẽ khác. Đến hết năm 2017, tất cả các ban đều thực hiện nhiệm vụ xây dựng đề cương quyển chuyên ngành. Nội dung quan trọng nhất của đề cương là xây dựng bảng mục từ do các nhà khoa học trong ban biên soạn chuyên ngành xác lập. Việc biên soạn cần bảo đảm tính khoa học, tính đại chúng, tính dân tộc, tính hiện đại, cập nhật tri thức mới như mục tiêu của đề án đã đề ra. Cách thức biên soạn thì dựa vào bản thân mỗi mục từ để viết ngắn chỉ vài dòng, còn dài thì có thể cả chục trang.

PV: Để bảo đảm chất lượng và đẩy nhanh tiến độ biên soạn, các cơ quan chức năng thực hiện đề án sẽ làm gì trong thời gian tới?

PGS, TS Đinh Ngọc Vượng: Bách khoa toàn thư có tính quy chuẩn mẫu mực để người đọc học tập, noi theo, vì vậy phải có sự chuẩn bị tốt mới đạt chất lượng cao. Chẳng hạn, vấn đề chính tả phải có quy chuẩn rõ ràng để sử dụng biên soạn bách khoa toàn thư, như: Thống nhất cách sử dụng i và y; xử lý tên riêng nước ngoài ra sao… Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức một số hội thảo tập huấn trong thời gian tới để đi đến thống nhất, làm tốt ngay từ khâu biên soạn sẽ không tốn công sức biên tập về sau. Đồng thời, cẩm nang biên soạn “Bách khoa toàn thư Việt Nam” bao gồm những vấn đề bao quát chung, thống nhất các nguyên tắc quan trọng sẽ được hoàn thành, làm cơ sở thống nhất cho việc biên soạn.

 “Từ điển Bách khoa Việt Nam” đã được xuất bản trọn vẹn vào năm 2005. Ảnh: HÀM ĐAN

PV: Sau khi hoàn thành, việc phổ biến “Bách khoa toàn thư Việt Nam” sẽ được thực hiện như thế nào?

PGS, TS Đinh Ngọc Vượng: Muốn đánh giá nền văn hiến, trình độ văn hóa, khoa học của mỗi quốc gia có thể thông qua tiêu chí là khối lượng và chất lượng các bách khoa thư mà nước đó biên soạn, xuất bản cung cấp cho bạn đọc. Có thể nói, bách khoa thư phản ánh khá chính xác nền văn minh và trình độ phát triển văn hóa, khoa học của một quốc gia, một dân tộc. Chính vì vậy, “Bách khoa toàn thư Việt Nam” phải hoàn thành đúng tiến độ trong 8 đến 10 năm và phải được in đầy đủ.

Theo cách thức biên soạn bách khoa toàn thư, lệ thường sau khi 37 chuyên ngành biên soạn xong sẽ trộn lẫn mục từ, sắp xếp theo thứ tự chữ cái để in thành một bộ. Thế nhưng, có người chỉ quan tâm tìm hiểu vật lý học và thiên văn học mà phải mua cả bộ thì không hợp lý; chính vì vậy, bên cạnh in theo thứ tự chữ cái, nhiều khả năng sẽ in “Bách khoa toàn thư Việt Nam” chia theo các quyển chuyên ngành.

Vì dung lượng bộ sách quá lớn nên chi phí in “Bách khoa toàn thư Việt Nam” rất tốn kém. Cho nên, bên cạnh một số bộ in để biếu, tặng trong và ngoài nước, chỉ khi nào có đơn đặt hàng mới in bộ sách. Vấn đề chuyển tải toàn bộ “Bách khoa toàn thư Việt Nam” lên môi trường internet sẽ được thực hiện nhưng vẫn còn chưa đi đến quyết định là người đọc được sử dụng miễn phí hay không. Nhưng, tinh thần chung là chưa làm công việc này vội bởi 8 đến10 năm nữa, không ai có thể tiên đoán công nghệ thông tin sẽ phát triển ra sao, làm sớm quá e rằng lại trở nên lạc hậu.

Hãy gửi bình luận

Gửi bình luận

E-mail của bạn sẽ không được công khai


*