(Chinhphu.vn) – Ngày 16/10, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam tổ chức hội thảo “Xây dựng Đề án biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam”.
Việc xây dựng bộ “Bách khoa Toàn thư Việt Nam” để giới thiệu những tri thức cơ bản nhất về đất nước, con người, lịch sử, xã hội, văn hóa, khoa học công nghệ Việt Nam xưa và nay.
PGS.TS Phạm Hùng Việt, Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam khẳng định “Bách khoa Toàn thư Việt Nam” phản ánh sự phát triển của đất nước. Để có thể phát huy một cách tối ưu nội lực, xác định được con đường phát triển hợp lý nhất cho mỗi quốc gia, trước hết cần phải hiểu thật rõ, đầy đủ và toàn diện về chính đất nước của mình.
Qua Bách khoa toàn thư nói chung, trình độ phát triển của mỗi quốc gia sẽ được phản ánh một cách khá chân thực, đầy đủ.
“Bách khoa toàn thư Việt Nam” phản ánh sự phát triển của các khu vực, cộng đồng, góp phần nâng cao tri thức, là công cụ tự học cho mọi thành viên trong xã hội. Vì thế, trình độ tri thức của các thành viên trong xã hội sẽ phụ thuộc trực tiếp vào sự phát triển của hệ thống Bách khoa toàn thư đang được phổ biến trong xã hội.
Trong quá trình thảo luận, các đại biểu cho rằng Đề án biên soạn “Bách khoa Toàn thư Việt Nam” cần phải được làm rõ hơn một số nội dung; bổ sung, chỉnh sửa một số vấn đề cho phù hợp để đảm bảo tiến độ và thành công.
Nhiều nhà khoa học khẳng định để biên soạn đồng thời các tập của bộ “Bách khoa Toàn thư Việt Nam”, vừa rút ngắn được thời gian biên soạn, vừa sớm có Bách khoa thư của các ngành và liên ngành thì phương thức được lựa chọn cho việc biên soạn là theo phương thức biên soạn phân quyền. Các quyển theo ngành và liên ngành sẽ được biên soạn đồng thời, sau khi đã có sự thống nhất về cấu trúc chung của bộ “Bách khoa Toàn thư Việt Nam”.
GS.TSKH Trịnh Xuân Hoài, Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học, cho biết, để công việc được tiến hành thuận lợi, đúng quy cách, thì cần phải có một bộ công cụ, phần mềm quản lý quá trình biên soạn, hình thành bản thảo điện tử để việc góp ý, chỉnh sửa được nhanh chóng.
Vì vậy, có nhiều ý kiến cho rằng thời gian biên soạn “Bách khoa Toàn thư Việt Nam” chi nên từ 5 – 7 năm, đến năm 2020 sẽ hoàn thành, thay vì thời gian như trong đề án là 12 năm, từ 2013 đến năm 2024.
Gửi bình luận