Sáng ngày 15/5/2018 tại trụ sở Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (Viện Hàn lâm), số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam (Đề án) đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề: “Hướng dẫn biên soạn mục từ và cách sắp xếp phân loại Bảng mục từ cho khối khoa học tự nhiên thuộc Đề án Biên soạn bách khoa toàn thư Việt Nam” với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm.
Tại Tọa đàm PGS.TS. Lại Văn Hùng, Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam – Tổng Thư ký, Ban thư ký Đề án đã tập trung trao đổi các nội dung chính có liên quan đến việc biên soạn mục từ và cách sắp xếp phân loại mục từ dành riêng cho khối khoa học tự nhiên. Qua đó, nhận định những khó khăn còn tồn tại trong quá trình biên soạn mục từ đối với khối khoa học tự nhiên nói riêng và các khối ngành khác. Phó giáo sư chia sẻ, hiện tại chỉ có Trung Quốc, Nga và Việt Nam là triển khai việc biên soạn bách khoa toàn thư. Do đó, tư liệu tham khảo còn rất ít ỏi, việc lựa chọn chính xác mục từ và phân loại như thế nào để được chuẩn hóa và thể hiện được sự kết tinh về văn hóa, văn minh, văn hiến của toàn bộ tiến trình phát triển lịch sử nhân loại và lịch sử của từng dân tộc theo chuyên ngành là một công việc cực kì khó khăn và phức tạp. Bên cạnh đó, ngân hàng tư liệu tham chiếu cũng còn rất nhiều hạn chế, việc đánh giá các tư liệu này đạt tiêu chuẩn hay chưa cũng là một thách thức đối với các chuyên gia và nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu và tra cứu tư liệu.
Trao đổi tại Tọa đàm, Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu, người tham gia biên soạn quyển Vật lý – Thiên văn học cho rằng, các lĩnh vực khoa học có tính chất liên ngành với nhau rất lớn nên sẽ nhiều mục từ sẽ nằm ở cả hai quyển. Vì vậy, việc biên soạn mục từ và phân loại bảng mục từ phải đạt được sự hài hòa giữa các quyển có sự giao thoa. Đây là nhiệm vụ khoa học rất phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong biên soạn giữa các quyển nhằm đảm bảo tính thống nhất và chuẩn mực của tri thức.
Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu phát biểu tại Tọa đàm |
Toàn cảnh Tọa đàm |
Ngoài việc chia sẻ những tồn tại, khó khăn, Tọa đàm cũng tập trung trao đổi, hướng dẫn vào việc thực hiện nghiệp vụ, tìm ra cách thức chuẩn hóa trong quá trình hình thành tư liệu theo chuyên ngành, liên ngành và liên liên ngành. Qua đó, thống nhất cách thức thực hiện đồng bộ đối với 37 quyển thuộc danh mục Bách khoa toàn thư Việt nam.
Có thể khẳng định, với quy mô đồ sộ của Đề án, Hội đồng Đề án có nhiệm vụ thông qua công trình khoa học lớn này để thu tập tối đa những tri thức cơ bản, chuẩn xác của nhân loại và của nước ta về mọi lĩnh vực, qua đó làm kho dữ liệu quốc gia. Trên cơ sở kho tư liệu đó tiến hành biên soạn những bộ bách khoa toàn thư thuộc các loại hình khác, phục vụ cho những nhu cầu phát triển của xã hội.
Cho đến nay, việc biện soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam đã đi được đoạn đường khá dài, việc tổ chức các tọa đàm nhằm trao đổi sát hơn các vấn đề gặp phải trong quá trình biên soạn có ý nghĩa rất lớn, hỗ trợ các nhà khoa học kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện nhằm hướng tới biên soạn thành công bộ bách khoa toàn thư tổng hợp, phản ánh những thành tựu, những tri thức xưa và nay của nhân loại và Việt Nam, từ các chuyên ngành khác nhau, sẽ được xuất bản nhằm phục vụ nhu cầu trao đổi, tìm hiểu thông tin của xã hội trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay.
Nguồn vass.gov.vn
Gửi bình luận