Ngày 28/7/2014 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án biên soạn bách khoa toàn thư Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vinh dự là đơn vị được giao chủ trì biên soạn bộ sách quý này.
Trong những năm vừa qua, 5 đại dự án khoa học của đất nước đã được Chính phủ trực tiếp chỉ đạo thực hiện, bao gồm: Bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử), Bộ Địa chí quốc gia Việt Nam (Quốc chí); Hệ tri thức Việt số hoá; Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông và Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam. Những công trình khoa học “khổng lồ” này đã được triển khai với quy mô đồ sộ chưa từng có trong lịch sử Việt Nam xét trên tất cả các phương diện, từ khối lượng kiến thức phải biên soạn, thời gian triển khai, số lượng các nhà khoa học tham gia, đến kinh phí thực hiện.
Trong đó, riêng Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam có nhiệm vụ bám sát hai mục tiêu lớn: Thứ nhất, góp phần nâng cao trình độ dân trí, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước; Thứ hai là trở thành công cụ học tập, tra cứu chính thức, chuẩn mực, thiết yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quổc tế của Việt Nam.
Công trình có số lượng lớn các nhà khoa học tham gia
Tổ chức chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam gồm Hội đồng Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; Ban Chủ nhiệm Chương trình do Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo quyết định thành lập có nhiệm vụ giúp Hội đồng Chỉ đạo điều hành việc biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam.Văn phòng Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam đã được Ban Chủ nhiệm Chương trình thành lập ngày 16/10/2015 (sau đây gọi tắt là Văn phòng) để triển khai các công việc của Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam. Ban đầu chỉ với 2 đảng viên, Văn phòng chưa thành lập được Chi bộ riêng, hai đảng viên này phải sinh hoạt ghép với Chi bộ Ban Quản lý Khoa học. Tuy nhiên, cùng với sự lớn mạnh của Văn phòng, số lượng đảng viên cũng nhanh chóng tăng lên. Ngày 5/5/2016, Chi bộ của Văn phòng đã được thành lập với Bí thư Chi bộ đầu tiên là TS. Vũ Ngọc Hà. Kể từ đó công việc chỉ đạo, lãnh đạo Văn phòng thực hiện các nhiệm vụ đã trở nên thuận lợi hơn.
Ngày 30/6/2020 vừa qua, VP Đề án vừa thực hiện thành công Đại hội chi bộ lần thứ nhất và TS. Nguyễn Thị Thu Hà, được Đảng uỷ Viện Hàn lâm điều động tiếp tục lãnh đạo Chi bộ Văn phòng tiếp nối những thành quả của giai đoạn 1, và xây dựng chương trình hoạt động cho giai đoạn 2, đáp ứng nhiệm vụ mới mà Chính phủ giao phó.
Hiện nay, Chi bộ Văn phòng Đề án có 10 đảng viên, đều đang phát huy tích cực vai trò tiên phong, đi đầu gương mẫu trong mọi hoạt động của đơn vị, có lập trường tư tưởng vững vàng, yên tâm công tác và luôn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như của Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Với mục tiêu Đề án phải phản ánh những tri thức cơ bản về đất nước, con người Việt Nam và thế giới, trong đó chú trọng những tri thức cần thiết đối với Việt Nam; bảo đảm tính khoa học, tính dân tộc và tính hiện đại; bảo đảm tính chuẩn mực và tính hệ thống, quán triệt quan điểm của chủ nghĩa chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tường Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Chi bộ Văn phòng Đề án được đặt ra với một số trọng tâm. Trong đó mục tiêu kết nối số lượng lớn các nhà khoa học thuộc tất cả các lĩnh vực là một thách thức không nhỏ đặt ra với các thành viên thuộc Văn phòng Đề án cũng như các đơn vị hỗ trợ.
Đến tháng 6/2020, thành quả bước đầu đã được ghi nhận: Văn phòng đã kết nối được trên 1000 nhà khoa học cùng chung tay đóng góp xây dựng được xấp xỉ 60.000 mục từ, bước đầu thí điểm triển khai một số mục từ. Rất nhiều hội thảo, toạ đàm khoa học, các buổi tập huấn đã được Văn phòng tổ chức trong giai đoạn này, đặt những nền móng vững chắc đầu tiên trong hành trình xây dựng bộ Bách khoa toàn thư khổng lồ về tri thức. Văn phòng Đề án cũng đã làm tròn vai là khâu trung gian hỗ trợ các thủ tục về hành chính cũng như phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị có liên quan trong Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Năm 2020-2025: Chất lượng khoa học hàng đầu, tiết kiệm tối đa kinh phí
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong giới khoa học và đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Việc Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư huy động hàng nghìn nhà khoa học tham gia và đã đạt được những thành quả bước đầu đặt nền móng cho chặng đường tiếp theo, góp phần tạo nền tảng ngày càng hoàn thiện cho bộ sách quý, hướng tới hoàn thành sứ mệnh to lớn là nhanh chóng ra đời Bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam đạt chất lượng khoa học cao, đồng thời vẫn tiết kiệm tối đa kinh phí.
Đại hội lần thứ nhất của Chi bộ Văn phòng Đề án vừa qua đã thống nhất thông qua Nghị quyết xác định nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020-2025 của Chi bộ sẽ bám sát tình hình mới để đề xuất các cải cách phù hợp, lãnh đạo chỉ đạo Văn phòng Đề án đạt được các mục tiêu ngắn và dài hạn.
Mục tiêu của công tác Đảng trong thời gian tới, Chi bộ Văn phòng Đề án sẽ hướng tới đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác xây dựng Chi bộ, nâng cao khả năng tập hợp và hỗ trợ tối đa nguồn lực tri thức của các nhà khoa học.
Chi bộ và Lãnh đạo Văn phòng đặt mục tiêu cụ thể hóa nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tiếp tục ổn định tổ chức và xây dựng định hướng về công tác chuyên môn, chỉ đạo cán bộ, đảng viên thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch công tác được Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao cụ thể như sau:
Lãnh đạo cơ quan hoàn thành tốt các nhiệm vụ do Hội đồng Chỉ đạo, Ban Chủ nhiệm Đề án biên soạn Bách toàn thư Việt Nam giao phó; Tổ chức các cuộc họp của Hội đồng Chỉ đạo, Ban Chủ nhiệm Đề án, các Ban Biên soạn chuyên ngành của Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam; Phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo quy mô cấp Đề án nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam.
Chi bộ thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên đang sinh hoạt trong chi bộ, gắn các nhiệm vụ của người đảng viên với thực hiện nhiệm chính trị và nhiệm vụ chuyên môn. Việc phân công nhiệm vụ trong Chi bộ Văn phòng Đề án được thực hiện dân chủ nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của từng đảng viên trong chi bộ. Từ đó các đảng viên trong chi bộ đều thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn được giao trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn của mình.
Quán triệt tinh thần cán bộ, đảng viên trong Chi bộ nêu cao đoàn kết nhất trí, lấy hiệu quả công việc làm động lực phấn đấu, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có sự phối hợp chặt chẽ và tương trợ lẫn nhau để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ chung của cơ quan.
Với trách nhiệm là một tổ chức Đảng thuộc Viện Hàn lâm KHXH, Chi bộ Văn phòng Đề án sẽ tích cực tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của các cấp ủy Đảng tới toàn thể đảng viên, cán bộ viên chức và người lao động trong Chi bộ, thực hiện tốt việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết đã đề ra.
Chi bộ Văn phòng Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam
Gửi bình luận