Ảnh đại diện

Tọa đàm “Phương pháp và kỹ năng biên soạn mục từ Bách khoa toàn thư Việt Nam”

     Sáng ngày 2/11/2019, tại Hội trường tầng 2, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam (Đề án) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã long trọng tổ chức Tọa đàm khoa học “Phương pháp và kỹ năng biên soạn mục từ Bách khoa toàn thư Việt Nam”.

     Tọa đàm vinh dự được đón tiếp TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Phó Chủ nhiệm Thường trực Đề án đến dự và chỉ đạo Tọa đàm; PGS.TS. Lại Văn Hùng, Tổng Thư ký Ban Thư ký Đề án; PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng, Phó Tổng thư ký Thường trực, Ban Thư ký Đề án; PGS.TS. Nguyễn Xuân Dũng, Phó Tổng Thư ký Ban Thư ký Đề án; PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Trưởng ban Ban Quản lý khoa học Viện Hàn lâm; TS. Nguyễn Thủy Lan, Trưởng ban, Ban Kế hoạch Tài chính Viện Hàn lâm, các đồng chí là Trưởng ban, Phó Trưởng ban biên soạn chuyên ngành, các thư ký khoa học, thư ký hành chính, các nhà khoa học của các ban biên soạn chuyên ngành, các ủy viên ban thư ký Đề án, đại diện Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, các chuyên viên của văn phòng Đề án biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam cùng nhiều đại biểu, khách quý đã đến tham dự Tọa đàm.

TS. Đặng Xuân Thanh phát biểu tại Tọa đàm

     Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Đặng Xuân Thanh đã nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của đông đủ đại biểu khách mời, nhấn mạnh tầm quan trọng của Tọa đàm đối với công tác biên soạn mục từ của bộ Bách khoa Toàn thư Việt Nam nhất là việc thống nhất các phương pháp, quy tắc, kỹ năng biên soạn mục từ. Tiến sĩ Phó Chủ tịch đề nghị các nhà khoa học tập trung cao độ trong việc thực hiện các quy định từ Ban chủ nhiệm Đề án trong việc xây dựng mục từ nhằm tạo ra sự thống nhất xuyên suốt trong các quá trình biên soạn mục từ. Nhân dịp này, TS. Đặng Xuân Thanh cũng gửi lời cảm ơn sự đóng góp nhiệt tình, có chất lượng cao của các nhà khoa học và cho rằng đây là sản phẩm trí tuệ của Việt Nam trong nền văn minh nhân loại, khẳng định vị trí khoa học của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế, tiến sĩ tin tưởng Tọa đàm sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp, đóng góp hiệu quả vào việc hoàn thành nhiệm vụ khoa học vẻ vang mà Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam nói riêng và Viện Hàn lâm nói chung đang thực hiện.

     Tọa đàm đã được nghe các tham luận: (1). Hướng dẫn cách thức biên soạn mục từ của bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam (do PGS.TS. Lại Văn Hùng trình bày); (2). Trao đổi về Quy tắc phiên chuyển tên tiếng nước ngoài sang tiếng Việt của bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam (do PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng trình bày); (3). Cơ sở khoa học và cách phiên chuyển từ ngữ gốc dân tộc thiểu số sang tiếng Việt (do PGS.TS. Nguyễn Hữu Hoành trình bày); (4). Trao đổi về quy tắc chính tả của bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam (do TS. Đặng Thị Phượng trình bày).

PGS.TS. Lại Văn Hùng phát biểu tại Tọa đàm

     Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS. Lại Văn Hùng chia sẻ, việc xây dựng các tài liệu hướng dẫn là một công việc khó khăn, vất vả, là công việc chưa từng có tiền lệ, vì vậy các vấn đề liên quan đến nguyên tắc xác lập bảng mục từ; xây dựng khung cấu trúc mẫu biên soạn; xây dựng quy tắc chính tả tiếng Việt; xây dựng quy tắc phiên chuyển tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xây dựng quy tắc phiên chuyển tiếng dân tộc sang tiếng Việt… cho các quyển chuyên ngành đều rất cần sự trao đổi thẳng thắn, hiệu quả của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học

     Các nhà khoa học cho rằng Bách khoa toàn thư là công trình để học tập, tra cứu mang tính quyền uy, khẳng định vị thế của một kho tàng tri thức quốc gia. Các nguyên tắc xây dựng bảng mục từ cho từng quyển chuyên ngành và cho cả bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam cần dựa trên quan điểm nguyên tắc về tính chính xác và thống nhất là để đảm bảo sự đúng đắn, không sai lệch; nguyên tắc về tính toàn diện là để đảm bảo công trình được hoàn thiện, không thiếu sót; nguyên tắc về tính cập nhật là để đảm bảo kịp thời, không lạc hậu; nguyên tắc về tính hiện đại là đảm bảo công trình mang đậm dấu ấn thời đại; nguyên tắc về tính chuẩn mực là để đảm bảo sự nghiêm túc, cẩn trọng, không thiên lệch; nguyên tắc về tính dân tộc là để đảm bảo “màu cờ sắc áo”, bản sắc khoa học Việt Nam; nguyên tắc về tính quốc tế là để đảm bảo tinh thần sẵn sàng hội nhập cao của Việt Nam với thế giới; nguyên tắc về tính cần yếu là để đáp ứng yêu cầu cần thiết nhất về mặt lựa chọn mục từ thiết thực, hữu ích và cả về nội dung biên soạn sau này, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu học tập và tra cứu của đông đảo công chúng.

Toàn cảnh Tọa đàm

     Mặt khác, các vấn đề liên quan đến khung cấu trúc biên soạn các  quyển bao gồm danh mục tên người, mục lục, lời giới thiệu, quy cách, thể lệ biên soạn, tổng luận về sự hình thành và phát triển của ngành; các quy định liên quan đến cách viết hoa tên người, tên địa lý, tên tổ chức, các quy định về dấu câu, thanh điệu, cách viết số, cách phiên chuyển tên địa lý, tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc… đều nhận được rất nhiều ý kiến thảo luận rất chi tiết của nhiều đại biểu.

     Vui mừng trước kết quả đạt được, PGS.TS. Lại Văn Hùng đã nhiệt liệt biểu dương các ý kiến trao đổi và khẳng định, những tham luận và ý kiến luận bàn sẽ được BTC Hội thảo khẩn trương tổng hợp, xây dựng chỉnh lý bổ sung vào Tài liệu hướng dẫn biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam. Qua đó, góp phần thực hiện nhất quán giữa chủ trương và hành động quy trình biên soạn bộ Bách khoa toàn thư các chuyên ngành theo đúng 5 cấu phần tương ứng với 5 nhiệm vụ mà tài liệu hướng dẫn đang thực hiện, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam trong thời gian sớm nhất./.

Nguồn vass.gov.vn

Hãy gửi bình luận

Gửi bình luận

E-mail của bạn sẽ không được công khai


*