Kinh nghiệm các nước

Nhiều thách thức bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam

TP – Sau một thời gian dài chuẩn bị, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khởi động đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam sáng 26/2. Bộ Bách khoa toàn thư đồ sộ đầu tiên của Việt Nam được kỳ vọng nhưng các nhà khoa học cũng lo lắng vì quá nhiều vướng mắc.

Bộ Từ điển bách khoa Việt Nam gồm 4 tập với 40 nghìn mục từ từng mất 15 năm hoàn thiện, trong khi bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam lần này gồm 37 quyển
Bộ Từ điển bách khoa Việt Nam gồm 4 tập với 40 nghìn mục từ từng mất 15 năm hoàn thiện, trong khi bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam lần này gồm 37 quyển

Tri thức Việt Nam

Trong khi thế giới hình thành Bách khoa toàn thư (BKTT) từ rất lâu, ngân hàng bách khoa thư Việt Nam khá nghèo nàn. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thừa nhận, ngoài một số cuốn bách khoa từ thời phong kiến, một số bách khoa thư chuyên ngành ít ỏi, đây là lần đầu tiên Việt Nam biên soạn BKTT đồ sộ và tổng thể nhất. Ban đầu dự kiến bộ sách gồm 36 quyển, nhưng hội đồng chỉ đạo trình Chính phủ và được phê duyệt thêm cuốn Kinh tế quốc tế. Đây là đề án khoa học được Thủ tướng phê duyệt năm 2014, bao quát mọi lĩnh vực khoa học, quy tụ hơn 300 nhà khoa học hàng đầu Việt Nam tại 73 chuyên ngành. Năm 2015, Thủ tướng có quyết định thành lập Hội đồng Chỉ đạo biên soạn do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Chủ tịch.

Bộ BKTT được xem là tri thức, văn minh, văn hóa của nhân loại và của dân tộc nên đòi hỏi cách tiếp cận tổng thể. “Chúng ta cần thống nhất tư tưởng, trí tuệ, tri thức, văn hóa của con người Việt Nam. Trong thời đại hội nhập quốc tế đương nhiên phải kế thừa tri thức nhân loại, tuy nhiên phải xem tỷ lệ tri thức nước ngoài là bao nhiêu. Nếu chỉ toàn tri thức quốc tế có lẽ dịch sẽ tốt hơn. Ví dụ cuốn Kinh tế quốc tế phần tri thức nước ngoài nhiều hơn, nhưng phải xác định rõ là bao nhiêu”, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo, Chủ nhiệm đề án, nói. Tuy nhiên, GS.TS. Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin KHXH, cho rằng tùy mỗi lĩnh vực mà cân nhắc cho phù hợp. Ông lấy ví dụ lĩnh vực triết học, đây là phạm trù nghiên cứu chung cho toàn thế giới không riêng Việt Nam.

GS.Thắng nhấn mạnh việc kế thừa tri thức các thế hệ đi trước, các bộ bách khoa thư chuyên ngành để đưa vào BKTT Việt Nam. Dù ghi nhận công lao của các bậc tiền nhân, nhưng các nhà khoa học thẳng thắn nói sự kế thừa này không được là bao. Một trong những yêu cầu mà ông nhấn mạnh là các nhà khoa học phải biên soạn và khai thác các khía cạnh và chuyển tải từ ngôn ngữ khoa học phức tạp sang ngôn ngữ toàn dân có thể tự đọc và tự học.

Nhiều băn khoăn

Trên tinh thần xây dựng BKTT Việt Nam một cách thống nhất, các nhà khoa học có mặt tại hội thảo đề cập những băn khoăn, lo lắng trong quá trình soạn thảo. GS. Nguyễn Xuân Thắng nói rằng điều quan trọng phải xác định cấu trúc vĩ mô và xây dựng bảng mục từ các chuyên ngành riêng. PGS.TS. Trần Đức Cường, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn liên quan mật thiết với nhau. Chẳng hạn cùng nhân vật, nội dung nhưng là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành. Ông nêu ví dụ như Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Chủ tịch Hồ Chí Minh là đối tượng biên soạn của lịch sử, chính trị, văn hóa, văn học… nên cần hợp tác nghiên cứu. GS. Thắng đề xuất nơi nào, lĩnh vực nào họ tỏa sáng nhất thì sẽ đặt ở chuyên ngành đó. Ông nhấn mạnh các nhà khoa học phải thống nhất và thảo luận rõ ngay từ bây giờ để tránh khó khăn và phức tạp về sau. “Chúng ta cần sử dụng một quy định biên soạn chuẩn mực và thống nhất, tránh riêng biệt gây xáo trộn”, ông nói.

Đại diện cho nhóm các nhà khoa học thực hiện đề tài Công nghệ sinh học, GS.TSKH Vũ Quang Côn nói: “Hiện nay công nghệ sinh học là một trong bốn vấn đề chính của nhân loại liên quan đời sống và sức khỏe con người. Vì lẽ đó sinh học mang tính đặc thù riêng và phức tạp hơn nhiều, liên quan tới phần lớn các ngành khoa học khác nên phải căn cứ vào khả năng và đặc thù của từng ngành để xây dựng. Trong khi đó, GS. Nguyễn Văn Hiệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đại diện các nhà khoa học thực hiện đề tài Vật lý, Thiên văn học cũng cho biết ngành vật lý thâm nhập nhiều ngành khoa học khác. “Vì lẽ đó chúng ta phải phân biệt đâu là vật lý, đâu là sự liên quan giữa vật lý với các ngành khác”, ông Hiệu nói. Cả hai nhà khoa học đều nhấn mạnh quan điểm BKTT cần sự trao đổi, hợp tác giữa các ngành để hoàn thiện hơn bộ BKTT. Quan điểm này nhận được sự đồng thuận của nhiều nhà khoa học.

Có nhà khoa học mong muốn có tư liệu quốc tế để tham khảo. Ví dụ lĩnh vực vật lý có hai bộ bách khoa thư tốt nhất thế giới hiện nay của Mỹ, Nga có thể dùng tham khảo. GS. Nguyễn Xuân Thắng cũng nói Ban Chủ nhiệm đề án chủ trương mua một số bộ bách khoa toàn thư của một số nước trên thế giới, bên cạnh khai thác tư liệu hiện có. Đây mới là cuộc thảo luận ban đầu, GS. Thắng nói còn nhiều nội dung khác phải thống nhất như quy định về hình ảnh, hình vẽ minh họa, bản đồ hoặc sau này các bước tiếp theo của biên tập và xuất bản.

Hội đồng chỉ đạo cho biết năm 2017 cơ bản xong đề cương bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam, dự kiến hoàn thành và được xuất bản 8-10 năm tới. Muốn vậy các ban chuyên ngành phải hoàn thành trong vòng 5 năm. Một số nhà khoa học bày tỏ sự lo lắng hơn là hào hứng, trong đó GS. Nguyễn Văn Hiệu nói mong nhìn thấy bộ sách trước khi nhắm mắt.

Hãy gửi bình luận

Gửi bình luận

E-mail của bạn sẽ không được công khai


*